Bạn thích uống sữa đậu nành nhưng lo ngại chất lượng đậu nành đóng chai bán ở vỉa hè? Học ngay cách làm sữa đậu nành thơm ngon, không bị hăng, để lâu mà không hỏng dưới đây và trổ tài pha chế cho cả nhà thưởng thức hoặc kinh doanh hút khách nhé!
Sữa đậu nành là thức uống phổ biến rất được yêu thích
Bạn cảm thấy thế nào khi sữa đậu nành không được làm từ đậu nành mà từ một loại bột cộng với tinh mùi? Tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đang ở mức báo động, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng, trong đó có bạn và những người thân. Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình mình, bạn hãy “lận lưng” công thức sau đây để có những ly đậu nành thơm ngon, bổ dưỡng nhé.
Nguyên Liệu Làm Sữa Đậu Nành
Cách Nấu Sữa Đậu Nành Thơm Ngon Bổ Dưỡng
Chỉ với 4 bước đơn giản dưới đây, bạn sẽ có ngay những ly sữa thơm dịu, vị ngọt thanh, uống tốt cho sức khỏe.
Sơ Chế Đậu Nành
Bạn nên chọn loại hạt đậu nành nhỏ để nấu sữa sẽ thơm ngon hơn. Đậu nành sau khi rửa sạch, cho vào thau ngâm trong nước từ 6 – 8 tiếng. Sau đó đãi vỏ, rửa thật kỹ với nước để loại bỏ tạp chất.
Ngâm đậu nành với nước đến khi nở mềm. Ảnh: Internet
Để tạo vị béo cho món sữa, bạn sử dụng thêm 10g đậu xanh. Với định lượng đậu xanh như trên sẽ không làm lấn át hương vị đậu nành. Hoặc bạn cũng có thể thay thế bằng đậu phộng cũng rất ngon và béo. Đậu xanh bạn cũng đem ngâm với nước cho mềm.
Cho đậu nành và đậu xanh vào nồi cùng với 500ml nước, bắc lên bếp đun sôi. Công đoạn này sẽ giúp loại bỏ mùi hăng của đậu nành và món sữa để được lâu hơn. Khi nước vừa sôi lên thì tắt bếp và thêm vào nồi 1,2 lít nước lọc.
Lá dứa rửa sạch, buộc gọn lại thành bó.
Xay Đậu Nành Lấy Nước Cốt
Cho hỗn hợp đậu nành và đậu xanh vào máy xay sinh tố cùng với 1/2 lượng nước để xay thật nhuyễn, mịn. Trong quá trình xay, nếu thấy cối xay nóng lên thì nên ngừng một lát, đợi máy nguội bớt rồi mới tiếp tục xay.
Dùng rây hoặc khăn/vải mỏng lọc lấy nước, bỏ bã. Bước này bạn nên làm từ từ từng chút một, vắt thật kỹ để lấy được nhiều nước cốt nhé.
Phần bã đậu thu được bạn tiếp tục cho vào cối xay với 1/2 lượng nước còn lại và vắt một lần nữa để lấy được tất cả tinh chất từ hạt đậu.
Xay và lọc đậu. Ảnh: Internet
Nấu Sữa Đậu Nành Ngon Béo Thơm
Cho phần nước đậu vừa thu được vào nồi cùng với bó lá dứa, bắc lên bếp nấu với lửa vừa. Trong khi nấu bạn nhớ khuấy đều, nhất là ở phần đáy nồi để tránh bị cháy khét. Khi hỗn hợp sôi lên, hạ lửa nhỏ, vớt bỏ lá dứa rồi thêm vào 1g muối. Đun sôi khoảng 5 phút cho sữa chín hẳn thì tắt bếp.
Lá dứa giúp tạo mùi thơm cho món sữa. Ảnh: Internet
Thưởng Thức Và Bảo Quản Sữa Đậu Nành
Sữa đậu nành vừa nấu xong là có thể thưởng thức ngay. Nếu muốn uống nóng, bạn pha 200ml sữa với 10g đường (2 muỗng cà phê), nếu muốn uống lạnh, bạn pha 150ml sữa với 20g đường, khuấy đều, thêm đá và thưởng thức.
Để bảo quản, bạn đợi sữa nguội hẳn rồi cho vào các chai/lọ thủy tinh sạch, đậy kín nắp và đặt trong ngăn mát tủ lạnh, uống hết trong 1 – 2 ngày.
Món sữa có vị ngọt thanh với hương lá dứa dịu nhẹ rất hấp dẫn. Ảnh: Internet
Uống Sữa Đậu Nành Có Tốt Không?
Sữa đậu nành từ lâu đã là thức uống được nhiều người yêu thích không chỉ bởi hương vị thơm ngon mà còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Loại sữa thực dưỡng này có nhiều tác dụng thần kỳ đối với thể chất và sinh lý của chúng ta. Bạn có thắc mắc sữa đậu nành có tác dụng gì không? Cùng tham khảo những thông tin dưới đây nhé.
Sữa đậu nành – thức uống giàu dinh dưỡng cho mọi người, mọi nhà. Ảnh: Internet
Bảo vệ và phát triển cơ – xương, tim mạch
Sữa đậu nành rất tốt cho chức năng tim mạch do có hàm lượng cholesterol gần như bằng 0. Theo nghiên cứu, 100ml sữa đậu nành chỉ chứa 1,6g chất béo bão hòa; thấp hơn nhiều lần so với các loại sữa động vật. Nhờ vậy có thể làm giảm thiếu quá trình tích tụ cholesterol thành mạch, giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạnh và các hội chứng, bệnh lý mạch vành khác.
Với nhiều loại vitamin như K, D, B2, B12 cũng như lượng canxi dồi dào, sữa đậu nành giúp duy trì sự dẻo dai của hệ cơ xương. Thành phần phytoestrogens có trong đậu nành có tác dụng tăng cường chuyển hóa và hấp thụ canxi, giảm nguy cơ loãng xương ở người lớn tuổi.
Trong đậu nành chứa 8 loại axit amin, chất sắt và chất xơ, có giá trị dinh dưỡng cao trong việc góp phần tăng cường cơ bắp cũng như phục hồi hệ cơ sau tập luyện.
Duy trì vóc dáng và nhan sắc phái đẹp
Một trong những tác dụng thường được nhắc tới nhất của sữa đậu nành là chống lão hóa. Một ly sữa đậu nành không đường mỗi ngày giúp ngăn chặn quá trình hình thành nếp nhăn; đồng thời hỗ trợ tái tạo các tế bào chết. Ngoài ra, bạn có thể dùng sữa đậu nành như mặt nạ: bôi lên da mặt, nghỉ ngơi 20 phút sau đó rửa sạch với nước. Nhờ vào các chất chống oxy hóa có trong đậu, mỗi tuần 2 lần với mặt nạ sữa đậu sẽ giúp tăng độ ẩm trên da, cho da bạn căng sáng, hồng hào hơn.
Uống sữa đậu nành hằng ngày giúp cân bằng vóc dáng, tươi sáng làn da. Ảnh: Internet
Mỗi 230ml sữa đậu nành chứa 100 calo, cũng tương đương với lượng calories trong 230ml sữa tươi (ít béo). Tuy nhiên, lượng đường có trong sữa tươi (12g) là gấp đôi sữa đậu (6g). Vì thế, sữa đậu nành được chứng minh là tốt cho vóc dáng hơn. Loại sữa này còn giúp hấp thu chất dinh dưỡng và tiêu hóa tốt hơn, vì thế giúp ngăn cảm giác thèm ăn. Việc này rất hữu ích cho những ai đang trong quá trình ăn kiêng, giảm cân.
Ít người biết rằng sữa đậu nành còn rất tốt cho tóc. Axit folic trong hạt đậu làm giảm gãy rụng, giúp tóc chắc khỏe; trong khi các vitamin nhóm B giúp tóc óng mượt hơn.
Tốt cho sinh lý nữ và nam, ngăn ngừa ung thư
Tác dụng của sữa đậu nành đối với sinh lý nữ là không thể bàn cãi. Thành phần phytoestrogen từ đậu cũng giúp phát triển vòng 1 tự nhiên mà vẫn ngăn ngừa được ung thư vú. Thành phần này cũng được xem như một nguồn cung cấp estrogen phụ trợ cho sinh lý nữ. Nhờ đó bù đắp được các thiếu hụt các hormone giới; giúp phái đẹp chống lại các triệu chứng mãn kinh như mất ngủ, rối loạn tâm lý, béo phì…
Trước đây, sữa đậu nành được cho là không tốt cho sinh lý phái mạnh. Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã chứng minh được phytoestrogen có khả năng ức chế sự gia tăng testosterone quá mức ở nam giới – nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh về tuyến tiền liệt.
Một ly nhỏ sữa đậu nành mỗi ngày còn giúp ngăn chặn nguy cơ ung thư. Ảnh: Internet
Những lưu ý khi dùng sữa đậu nành
- Sữa đậu nành phải được nấu kỹ trước khi uống. Thành phần trypsin trong đậu có khả năng làm rối loạn chuyển hóa protein trong dạ dày. Vì vậy, cần đun sữa sôi đến 100 độ C mới có thể phân hủy hoàn toàn được chất này.
- Không nên uống sữa đậu nành khi đói. Vì khi bạn đói, protein trong sữa sẽ bị chuyển hóa thành nhiệt mà không hấp thụ được dinh dưỡng vào cơ thể.
- Không uống quá nhiều sữa đậu nành trong thời gian dài vì dễ dẫn đến tình trạng thiếu kẽm trong cơ thể. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cũng nên hạn chế dùng sữa đậu.
Sữa đậu nành có thể dùng nóng hoặc lạnh đều rất ngon. Sữa đậu nành tốt cho da, giúp sáng da, đẹp dáng cũng như tốt cho tim mạch. Với cách làm sữa đậu nành đơn giản bạn đã có cho cả gia đình những ly sữa thơm ngon, bổ dưỡng mà không sợ uống nhầm hóa chất rồi. Chúc bạn thực hiện thành công.
Tiếp theo, mời bạn tham khảo bài viết cách làm trà hoa cúc táo đỏ tại website của chúng tôi ngay nhé.