Địa lý Lạc Việt

Ít người biết rằng rồng có chín con (Long sinh cửu tử) với hình dáng và những sở thích hoàn toàn khác nhau (theo truyền thuyết dân gian phương Đông).

Rồng ở tử cấm thành Huế

Hình ảnh rồng ở tử cấm thành Huế

Theo Wikipedia:

Rồng hay còn gọi là Long, là một loài vật xuất hiện trong thần thoại phương Đông và phương Tây. Hình ảnh loài rồng luôn biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Rồng ở các nước châu Á có nhiều khác biệt với rồng ở các nước châu Âu và châu Mỹ.

Con rồng Việt Nam là vật tổ của người Việt theo truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, trong trang trí kiến trúc, điêu khắc và hội họa hình rồng mang bản sắc riêng, theo trí tưởng tượng của người Việt. Nó khác với rồng trong trang trí kiến trúc và hội họa Trung Hoa và ở quốc gia khác.

Hình ảnh Rồng cũng tùy theo thời kỳ:

  • Con rồng thời Lý thể hiện sự nhẹ nhàng, mỏng manh, giống như đang uốn lượn trong mây, thích hợp với các lễ cầu mưa.
  • Con Rồng thời Trần thì mạnh mẽ hơn, thân hình to và khoẻ khoắn.

Rồng Việt Nam thường có một số đặc trưng rõ ràng:

  • Kết hợp của 9 loài vật khác: đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ.
  • Thân Rồng uốn hình sin 12 khúc. Thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa.
  • Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn.
  • Đầu rồng có bờm dài, râu cằm, đầu lớn uy dũng, sừng hươu, mắt to tròn, mũi nở, miệng mở rộng, răng cửa nhọn, thân dài và cơ bắp uyển chuyển uốn lượn với vẩy âm dương ngũ sắc, đuôi Rồng lượn sóng hoặc tõe các tua đuôi, chân rồng với năm móng sắc lẽm chỉ có ở bậc hoàng đế.
  • Miệng ngậm Long châu (ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc rồng hay cầm ngọc bằng chân trước).

9 đứa con của rồng là gì? Để trả lời cho câu hỏi này, trước tiên hãy tìm hiểu về truyền thuyết 9 đứa con của rồng.

Truyền thuyết “Long sinh cửu phẩm”

– Rồng vốn là con vật trong truyền thuyết, là hình ảnh tượng trưng cho sự quyền uy, cao quý và là loài đứng đầu trong muôn thú. Trong văn hóa châu Á, con người luôn tôn thờ loài rồng và chỉ có hoàng tộc mới được sử dụng hình ảnh con rồng làm biểu trưng cho quyền lực cũng như thân phận cao quý của họ.

– Theo truyền thuyết chín đứa con của Rồng (Long sinh cửu tử), Rồng thần sinh được 9 con trai nhưng không con nào là Rồng cả. Chín người con của Rồng đều là các loài thần thú và có tính cách khác nhau. Tùy vào tính cách mà người ta dùng hình ảnh của chúng để trang trí ở những lĩnh vực như mái hiên, nóc nhà, lan can, vũ khí, chiến thuyền,…

Tham Khảo Thêm:  Tuổi Tỵ 2001 là mệnh gì, hợp tuổi nào?

Tuy nhiên, cũng do văn hóa dân gian mỗi nơi một khác mà sinh ra nhiều dị bản về “Long sinh cửu phẩm”. Bởi vậy mà danh sách những linh vật được coi là con của rồng cũng có sự khác biệt.

Hiện nay, nhìn chung chia làm hai thuyết:

  • Thuyết 1: Bị Hí, Si Vẫn, Bồ Lao, Bệ Ngạn, Thao Thiết, Công Phúc, Nhai Xế, Toan Nghê, Tiêu Đồ
  • Thuyết 2: Tù Ngưu, Nhai Xế, Trào Phong, Bồ Lao, Toan Nghê, Bị Hí, Bệ Ngạn, Phụ Hí, Si Vẫn

Bởi vậy, ở bài viết này chúng tôi sẽ liệt kê nhiều hơn 9 con của Rồng.

Danh sách đầy đủ chín đứa con của rồng

Bị Hí

Bị Hí (tên khác là Bí Hí, Bá Hạ, Bát Phúc, Thạch Long Quy) là con trưởng của rồng. Có hình dáng thân rùa, đầu rồng. Chỉ duy nhất có Bí Hí chịu được trọng lượng lớn nên thường được chạm khắc được gọi là “con thú mang bia”.

Một số người nhầm lẫn khi cho rằng các con vật đội bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám là loài Rùa, thật ra đó là Bí Hí vì ngoài đặc tính thích mang vật nặng nó cũng rất thích văn chương nên người xưa dùng nó để đặt bia Tiến sĩ.

Con Bị Hí (Bí Hí)

Si Vẫn

Si Vẫn (Tên gọi khác là Si Vĩ, Li Vẫn, con Kìm) là con thứ hai của Rồng. Sống ở biển, có đầu giống hoặc gần như đầu rồng, đuôi, vây, miệng rộng và thân ngắn. Mỗi khi nó đập đuôi xuống nước thì nước bắn lên tận trời và mù mịt cả trời đất.

Si Vẫn ở bảo tàng quốc gia Việt Nam

Tương truyền Li Vẫn thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài… ngụ ý cầu trấn hỏa, đề phòng hỏa hoạn. Là một linh vật dùng trong trang trí kiến trúc, đây là một trong những hiện vật quý hiếm đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Việt Nam.

Thông tin thêm:

Chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Lý Học Đông Phương) đã tổng hợp tất cả những hình tượng Si Vẫn trên các di sản còn lại ở các đình chùa miếu mạo và những tài liệu nói về linh vật này để tạo ra Si Vẫn phiên bản bàn đặt trong nhà đem lại sự tiện lợi, bình an.

Si Vẫn để bàn

Bồ Lao

Bồ Lao là con thứ ba của Rồng. Sống ở biển, thích âm thanh lớn và thích gầm rống. Người xưa thường đúc trên quai chuông hình Bồ Lao, còn dùi thì làm theo hình cá kình với mong muốn tiếng chuông kêu vang xa. Do đó, Bồ Lao cũng được dùng để nói đến tiếng chuông chùa.

Linh vật Bồ Lao

Bồ Lao trên quả chuông chùa Thanh Long (Thái Bình), chất liệu đồng thời Lê Trung Hưng

Bệ ngạn

Bệ Ngạn (tên gọi khác là Bệ Lao, Hiến Chương) là con thứ tư của Rồng. Có hình dáng giống hổ, răng nanh dài, sắc, có sức thị uy lớn, thích lý lẽ và có tài cãi lý đòi sự công bằng khi có bất công.

Tham Khảo Thêm:  Tuổi Bính Thìn 1976 làm ăn hợp với tuổi nào

Nhờ vậy Bệ Ngạn thường được đặt ở cửa nhà ngục hay pháp đường, ngụ ý răn đe người phạm tội và nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện.

Linh vật Bệ Ngạn

Thao Thiết

Thao Thiết là con thứ năm của Rồng. Có đôi mắt to, miệng rộng, dáng vẻ kỳ lạ. Linh vật này tham ăn vô độ. Vì vậy, được đúc trên các đồ dùng trong ăn uống như ngụ ý nhắc nhở người ăn đừng háo ăn mà trở nên bất lịch sự.

Linh vật Thao Thiết

Công Phúc

Công Phúc là con thứ sáu của Rồng. Linh vật này thích nước nên được khắc làm vật trang trí ở các công trình hay phương tiện giao thông đường thủy như: cầu, rãnh dẫn nước, đập nước, bến tàu, thuyền bè… với mong muốn công phúc luôn tiếp xúc, cai quản, trông coi lượng nước phục vụ nhân dân.

Linh vật Công Phúc

Nhai Xế

Nhai Xế (tên gọi khác là Nhai Xải, Nhai Tí) là con thứ bảy của Rồng. Linh vật có tính khí hung hăng, thường nổi cơn thịnh nộ và ham sát sinh nên thường được chạm khắc trên các vũ khí như đao, búa, kiếm… ngụ ý thị uy, làm tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm của các chiến binh nơi trận mạc.

Linh vật Nhai Xế (Nhai Xải)

Toan Nghê

Toan Nghê (còn gọi là Kim Nghê) là con thứ tám của Rồng. Có mình sư tử, đầu rồng, thích sự tĩnh lặng và thường ngồi yên ngắm cảnh khói hương tỏa lên nghi ngút nên được đúc làm vật trang trí trên các lò đốt trầm hương, ngụ ý mong muốn hương thơm của trầm hương luôn tỏa ngát.

Linh vật Toan Nghê

Tiêu Đồ

Tiêu Đồ (hay còn gọi là Thô Phủ) là con thứ chín của Rồng. Linh vật có tính khí lười biếng, thường cuộn tròn nằm ngủ, không thích có kẻ lạ xâm nhập lãnh địa của mình nên thường được khắc trên cánh cửa ra vào, đúng vào vị trí tay cầm khi mở, ngụ ý răn đe kẻ lạ muốn xâm nhập nhằm bảo vệ sự an toàn cho chủ nhà.

Linh vật Tiêu Đồ

Như đã trình bày ở trên, ngoài chín con của Rồng ở trên, theo một số dị bản thì gia đình Rồng còn có một số linh vật khác như:

Tù Ngưu

Tù Ngưu (hay còn có tên gọi khác là Tỳ Hưu, Kỳ Hưu, Tỳ Ngưu, Tu Lì, Tu Lỳ,…), có hình dạng như một con rồng nhỏ, màu vàng, có sừng như sừng lân. Đây là linh vật giỏi về âm nhạc nên được khắc trên các nhạc cụ, nhạc khí,…

Đặc biệt lưu ý:

Hiện nay có rất nhiều người mua vật phẩm Tỳ Hưu (tượng tạc, trang sức đeo lên người) như một vật khí phong thuỷ với mong muốn cầu tìm tài lộc. Tuy nhiên, Địa Lý Lạc Việt sau thời gian nghiên cứu khuyến cáo tuyệt đối không nên sử dụng.

Tỳ Hưu

  • Trong phong thủy, mọi hình tượng dùng làm vật khí trấn yểm đều phải là hình tượng tốt đẹp. Và quan trọng là phải thuận lẽ trời đất: có vô thì có ra, có còn thì có mất, có đầy thì có vơi. Chỉ có lòng tham con người là muốn cái gì cũng vĩnh viễn, thêm mà không bớt, có mà không hết.
  • Lẽ tự nhiên không theo lòng người. Nhà Minh có để Tỳ Hưu rồi cũng khánh tận. Hòa Thân có để Tỳ Hưu to hơn Tỳ Hưu của vua rồi thì cũng bị giết và tài sản cũng bị tịch thu vào tay kẻ khác.
  • Hơn nữa hai chữ Tỳ Hưu đã thể hiện cái không hay, không tốt. Thử xem xét lý trong chữ sẽ thấy.
    • Tỳ (lách) là một trong năm tạng, biểu lý với Vị (bao tử).
    • Hưu là hết chức năng.
  • Thực phẩm vào Vị phải nhờ tỳ chuyển hóa, nhưng Vị muốn chuyển hóa được thành các chất bổ dưỡng và ô trọc thì phải nhờ Tỳ khí hóa. Ấy vậy mà Tỳ lại mất hết chức năng, thực phẩm bị ôi thiu trương sình trong bụng… thì ắt sẽ có bệnh. Nhẹ thì bệnh trướng bụng, nặng thì cơ thể lần hồi suy kiệt mà tiêu.

Vì vậy hai chữ Tỳ Hưu làm thành tên thì cũng là chỉ điểm báo nguy cho định mạng. Và Tỳ Hưu, trong việc cầu tìm tài lộc thì cũng chỉ là một yếu tố. Yếu tố tương tác cho cái lợi trước mắt nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao là tán tài.

Trào Phong

– Trào Phong thích sự nguy hiểm, thích nhìn ra xa nên thường chọn chỗ cao, cheo leo như đầu cột, góc mái của ngôi nhà, điểm cao một số công trình kiến trúc,… làm chỗ leo trèo hoặc đứng nhìn. Bởi vậy, nó là linh vật thường được chạm khắc trên nóc nhà (thường đặt ở bốn góc mái nhà) với ngụ ý chống hoả hoạn và thị uy kẻ xấu (gần giống với Si Vẫn).

Tham Khảo Thêm:  12 cung hoàng đạo ngày 21/8: Thiên Bình có chút hỗn loạn, Sử Tử khởi sắc

– Ngoài ra, hình tượng Trào Phong trên góc mái còn tượng trưng cho điều tốt lành, may mắn, tạo giá trị trang trí đẹp mắt và uy nghi. Vì thế chỉ các cung điện của hoàng gia mới được phép tạc hình Trào Phong trên nóc.

Phụ Hí

Phụ Hí có hình dáng như Rồng, dáng vẻ thanh nhã, thường nằm cuộn mình trên bia đá. Nó rất thích vẻ đẹp của chữ khắc trên các văn bia, nên thường cuộn mình trên đó mà ngắm nghía. Vì vậy, người ta thường khắc một đôi Phụ Hí trên các bia mộ, bài vị với ngụ ý bảo vệ bia mộ.

Linh vật Phú Hí

Trên đây là toàn bộ tổng hợp những đứa con của rồng trong văn hóa Việt Nam, hi vọng sẽ giúp ích được cho bạn đọc một vài thông tin bổ ích.

>>> Đọc thêm:

  • Cách hoá giải tam tai và phạm thái tuế năm 2020
  • Covid-19: cách phòng chống dịch bệnh của ông cha ta

Viết một bình luận