Phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng phải cúng “phẩm đắc tiền” mới được nhiều công đức. Thật ra công đức không đến từ giá trị của phẩm vật cúng dường mà đến từ giá trị của tâm người cúng dường. Tâm người cúng dường mới là yếu tố quyết định lượng công đức nhiều hay ít. Tâm không tham lẫn là cái tâm cần phải có khi cúng dường.
Vì sao phải hàng ngày cúng dường Tam Bảo?
Là Phật tử quy y Tam Bảo, hàng ngày chúng ta cần cúng dường Tam Bảo để tự nhắc nhở tâm quy y. Ngoài ra, cúng dường cũng là một phương pháp tích lũy công đức rất thù thắng. Không phải vì không cúng dường Phật sẽ bị đói khát: Phật vốn không cần phẩm cúng dường của chúng ta. Chỉ là nhờ vào Phật mà khi dâng phẩm cúng dường, chúng ta tích lũy được nhiều công đức.
Phẩm cúng dường có hai loại, một là cúng dường bằng phẩm vật cụ thể bày biện, hai là cúng dường bằng công phu quán tưởng. Cúng dường không phải là việc phức tạp hay tốn kém. Chỉ cần lập một bàn thờ đơn giản, không cần nhiều tiền của, có được gì cũng đều có thể dùng làm phẩm cúng dường dâng lên Phật. Buổi sáng dâng phẩm cúng dường, buổi tối thu dọn, làm cho đúng cách, với cái tâm cho thật đúng đắn. Nhờ tâm đúng đắn khi dâng phẩm cúng dường mà tích lũy nhiều công đức, vì vậy không cần nhiều tiền của vẫn có thể rộng rãi cúng dường.Nói về phẩm cúng dường
Cúng dường Tam Bảo phải trở thành một phần trong công phu tu tập hàng ngày. Bàn thờ giữ cho thật sạch, không để bụi bám, mỗi ngày lưu ý lau chùi sạch sẽ. Mỗi sáng thức dậy, rửa tay, che khẩu trang không để hơi thở làm ô nhiễm phẩm cúng dường, mang một bình nước đến trước bàn thờ. Chén nước hôm qua đã lau sạch úp sẵn trên bàn thờ, sáng nay mở từng chén rót nước vào. Khi rót có thể đọc minh chú cúng dường. Cúng nước rồi, đối trước bàn thờ lạy ba lạy. Cứ như vậy, buổi sáng dâng nước cúng dường, buổi tối dẹp nước, chùi chén cho khô sạch, úp trở lại trên bàn thờ. Đây là việc làm đơn giản, ai cũng có thể làm được.
Phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng phải cúng phẩm đắc tiền mới được nhiều công đức. Thật ra công đức không đến từ giá trị của phẩm vật cúng dường mà đến từ giá trị của tâm người cúng dường. Tâm người cúng dường mới là yếu tố quyết định lượng công đức nhiều hay ít. Tâm không tham lẫn là cái tâm cần phải có khi cúng dường.
Nhiều người cho rằng cúng nhiều tiền thì được nhiều công đức. Nếu thật là như vậy, người không tiền làm sao cúng dường Tam Bảo? Vô lẽ không tiền thì không thể tích lũy công đức hay sao? Cũng có người mang nhiều tiền của cúng dường Tam Bảo, đến khi gia cảnh sa sút lại tiếc rẻ, phải chi đừng cúng nhiều như vậy. Những loại tâm lý như vậy đều là tâm lý khiến hao tổn công đức. Thực chất công đức không nằm ở giá trị của phẩm vật cúng dường mà nằm ở cái tâm không tiếc lẫn.
Nhiều Phật tử khi cúng dường thường mang tâm lý tham lẫn. Lấy ví dụ trường hợp đệ tử mua một cái chuông thật mắc tiền để cúng dường sư phụ, sau đó cứ mỗi lần đến chùa lại cứ nhấp nhổm nhìn xem sư phụ có dùng cái chuông của mình hay không, có thích nó hay không. Nếu sư phụ mang chuông tặng cho người khác, chắc chắn trong bụng sẽ không vui, nghĩ sao cái chuông mình tặng mà Thầy lại nỡ lòng đem cho người khác. Tất cả mọi trạng thái tâm lý này rất quen thuộc với chúng ta, mặc dù đã cúng dường nhưng vẫn tiếp tục giữ làm của mình, không xả được tâm lý tiếc lẫn. Chính tâm lý tiếc lẫn này sẽ khiến công đức bị chiết giảm trầm trọng, thậm chí không còn công đức gì lại còn tạo thêm ác nghiệp.
Vì lý do này mà cúng nước là phương pháp cúng dường cực kỳ thù thắng. Không ai mang nước ra cúng mà băn khoăn ít nhiều, mắc rẻ. Nước là món dễ kiếm, bất cứ một ai, dù giàu hay nghèo, đều đủ khả năng cúng mỗi ngày. Đây là phương pháp tạo công đức dễ dàng nhất, lại không bị tâm lý tham lẫn làm tổn hại công đức.
Muốn tu thì phải tích lũy nhiều công đức. Người giàu công đức khi tu sẽ chóng đạt kết quả. Công đức giúp tăng phước, tăng thọ, giúp mọi việc suôn sẻ dễ dàng. Cả trong đời sống hàng ngày cũng vậy, công đức rất cần thiết. Thử nhìn việc trong đời mà xem, nhiều người tài năng xuất chúng nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, đó là vì thiếu công đức. Nếu chúng ta biết cách tích lũy công đức thì việc đời việc đạo đều sẽ rất thuận tiện suôn sẻ.
Hôm nay Thầy hướng dẫn quí vị phương pháp cúng nước này là để quý vị tích lũy công đức, hầu giúp đường tu của quí vị được mọi điều thuận tiện. Chỉ cần chút siêng năng là làm được, không tốn nhiều thời gian, không cần nhiều tiền của.
Lập bàn thờ rồi, xin quí vị quan tâm giữ bàn thờ cho thật sạch. Phải ngày ngày xem xét, chùi dọn, quét bụi. Thầy nghe có Phật tử nói rằng bàn thờ không được thường xuyên lau chùi, phải một năm mới được phép lau chùi một lần. Phong tục tập quán như vậy không biết đến từ đâu, nhưng không nên theo. Ngay như chúng ta đây là người thường, bàn ăn giường ngủ cũng phải giữ cho sạch, không thể nào một năm mới chùi dọn một lần. Bản thân mình phải sạch sẽ mới thấy thoải mái, huống chi là bàn thờ Phật. Nơi thờ Phật không thể nào để dơ hơn nơi ở của chính mình, không thể một năm chùi một lần. Quí vị nên hàng ngày lau chùi bàn thờ cho gọn gàng sạch sẽ.
Phẩm cúng dường cũng vậy, không cần món đắt tiền, nhưng đã cúng thì phải tùy khả năng mà chọn những gì tốt nhất, đẹp nhất và nhiều nhất để cúng dường. Cúng trái cây thì đừng mang cúng loại trái cây đã hỏng chính mình chê không ăn. Làm như vậy là không được. Hay như người Tây tạng cúng đèn bơ, đợi khi bơ hư mốc không ăn được nữa mới mang ra làm đèn cúng Phật là không được. Cúng Phật như vậy không những không được công đức mà lại còn gieo nhiều ác nghiệp. Phẩm cúng dường phải luôn là những món thanh sạch nhất, tươi tốt nhất.Nói về tâm người cúng dường
Cúng dường được công đức hay không còn tùy nơi tâm người cúng dường. Vậy phải cúng dường bằng cái tâm như thế nào mới được nhiều công đức? Nếu cúng Tam Bảo với cái tâm cầu mong Tam Bảo hộ trì cho mình được giàu sang, cho mình hết bệnh tật, cho mình được điều này điều kia…cúng dường với cái tâm mong cầu hồi báo như vậy sẽ làm hao tổn công đức. Người cúng dường ít gì cũng phải nhớ về cảnh sống trong sinh tử luân hồi khi cúng dường, biết mọi sự trong cõi sinh tử luân hồi đều mang tính chất của khổ đau: khổ vì sinh, vì lão, vì bệnh, vì tử. Chúng ta là người ngụp lặn trong sinh tử luân hồi mà lại không hiểu về khổ đau của sinh tử luân hồi, không biết gì về khổ nạn của chính mình. Chư Phật, chư Bồ Tát nhìn vào cảnh sinh tử luân hồi, thấy chúng sanh khổ đau mà sinh lòng thương xót, đến nỗi nổ tung thành từng mảnh. Các vị thấy rõ, hiểu rõ nỗi khổ mà chúng sanh phải gánh chịu trong cõi sinh tử luân hồi. Còn chúng ta là kẻ chịu khổ sinh tử, vậy mà đối với khổ đau của chính mình lại không hay không biết. Loại khổ đau nào dễ thấy lắm thì còn hiểu được chút ít, còn đối với các loại khổ đau vi tế chúng ta lầm tưởng đó là an lạc hạnh phúc nên cứ mãi bám dính vào, không muốn buông ra. Phải hiểu khổ sinh tử luân hồi thì mới phát tâm cầu thoát sinh tử luân hồi. Khi cúng dường, chí ít phải cúng dường bằng cái tâm cầu thoát sinh tử luân hồi, được vậy công đức mới đủ mạnh.
Có người đến nghe pháp, vừa nghe đã hiểu, vừa hiểu đã có thể hành trì, vừa hành trì đã đạt kết quả. Thuận tiện như vậy đều vào công đức. Muốn tu phải có công đức. Muốn nghe pháp, hiểu pháp, cũng phải có công đức. Vậy chúng ta phải quan tâm đúng mức đến việc tích lũy công đức. Cần biết cách cúng dường như thế nào để tạo nhiều công đức. Công đức phải dồi dào đường tu mới thoát chướng ngại, đạt kết quả