Cúng Rằm tháng Giêng là một trong các nghi lễ được người Việt chú trọng thực hiện vào dịp đầu xuân. Vào ngày này, nhà nhà tất bật sắm sửa, chuẩn bị mâm cúng tươm tất để mong cầu một năm gặt hái được nhiều tài lộc.
Vậy sắm sửa mâm cúng Rằm tháng Giêng sao cho đầy đủ, dễ thực hiện mà mang lại may mắn? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý vị đầy đủ các thông tin trên, kính mời quý vị cùng đón đọc.
Ý nghĩa cúng Rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng còn gọi khác là tết Nguyên Tiêu hay tết Thượng Nguyên. Ở đây, “nguyên” là khởi nguyên, ban đầu; “tiêu” là buổi đêm, “nguyên tiêu” tức đêm trăng sáng của tháng Giêng. Và mang ý nghĩa là một ngày Rằm khởi đầu, một hội lễ đầu năm.
Với quan niệm dân gian, người Việt thường cho rằng lễ Rằm tháng Giêng là lễ quan trọng nhất của cả một năm. Bởi không chỉ dân ta mà nhiều quốc gia trên thế giới có tâm lý coi trọng những thứ gọi là “đầu tiên”; và nghĩ rằng có sự khởi đầu suôn sẻ, thì những thứ về sau cũng sẽ tốt đẹp.
Vào ngày rằm, người dân đi chùa trở thành một ngày lễ truyền thống, một ngày hội ở mỗi một địa phương, cho thấy sự gắn bó, đồng hành hàng ngàn năm của Phật giáo với dân tộc.
Bên cạnh đó, vào các ngày Tết, gia đình nào gặp chuyện không vui như người thân mất vào những ngày cuối năm, sát cuối năm, hoặc mất ngay trong những ngày đầu tết, thậm chí phải tổ chức tang lễ ngay đầu tết; thì Rằm tháng Giêng cũng là ngày mọi người được tái ăn tết, gọi là ăn tết lại.
Cúng Rằm tháng Giêng từ ngày nào thì được may mắn?
Theo quan niệm đạo Phật, cúng Rằm tháng Giêng không quy định ngày nào cúng lễ mới tốt. Bởi, tất cả sự cúng lễ đúng Pháp đều có thể sinh ra phước báu tốt đẹp.
Cách hướng tâm khi cúng lễ Rằm tháng Giêng
– Trường hợp cúng lễ tại gia: Dùng ba tâm kính Phật, trọng Thần, hiếu nghĩa với tổ tiên. Biết ơn Phật đã ban bố chỉ dạy pháp diệt khổ cho chúng sinh. Biết ơn và tôn trọng các vị chư Thiên, Thiện Thần đã ủng hộ cho mình làm các việc thiện. Biết ơn tổ tiên, cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục chúng ta, đã tạo duyên cho chúng ta có họ hàng anh em, con cái. Khi cúng lễ với nguồn tâm này, thì gia đình sẽ được gia tăng phúc báu và cảm ứng được với thế giới tâm linh.
– Trường hợp cúng lễ tại cơ quan, cửa hàng: Dùng ba tâm kính Phật, trọng Thần, thương tưởng các vong linh. Biết ơn Phật đã ban bố chỉ dạy pháp diệt khổ cho chúng sinh. Biết ơn và tôn trọng các vị chư Thiên, Thiện Thần đã ủng hộ cho mình làm các việc thiện. Thương tưởng các vong linh: Họ còn bị đọa lạc và mình làm việc trên chỗ cũng thuộc sở hữu của họ.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên tạo phúc để hồi hướng cho những người đã khuất để họ có đủ phước báo để có thể thọ nhận vật được dâng cúng.
Mâm cúng Rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì?
Sắm Lễ
– Cúng Phật: Hương, hoa, trà, quả, thực: xôi chè hoặc bát cơm trắng.- Cúng chư Thiên, Thần Linh: Hương, hoa, trà, quả, thực: xôi chè hoặc bát cơm trắng.- Cúng vong linh (bày lễ ở bát hương thờ gia tiên): Hoa quả, một mâm cơm (chay: rau, củ, quả; tam tịnh nhục) hoặc một bát cơm, một cốc nước và một cốc sữa.
Lưu ý:
– Hương: tùy duyên dùng hương cây, hương trầm… hoặc không có hương thì dùng tâm hương.- Hoa: Các loài hoa có hương thơm (không kiêng về tên hoa và số lượng).
– Trà: Nước trà tỏa hương của sáu vị là đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt là sáu vị nuôi sống tất cả chúng sinh. Nếu không có nước trà thì có thể cúng bằng nước trắng.
– Quả: Số lượng tùy ý không kiêng kị 2 quả hay 4 quả,… Nên cúng quả đã chín vì có hương từ vị để vong linh thọ hưởng, quả xanh chưa có hương thơm của vị. (Tránh tình trạng biến ban thờ thành chỗ cất đồ)
– Các đồ lễ, sau khi lễ xong thì thọ thực.
– Cúng Phật và chư Thiên, chư Thần Linh, vong linh cũng có thể cúng lễ chay (rau, củ, quả) hoặc cúng lễ bằng tam tịnh nhục (thịt chúng sinh xuất phát từ ba sự thanh tịnh: không tự mình giết, không xui người giết, không nhìn thấy chúng đó bị giết).
– Các đàn cúng lễ không sát sinh, không đốt tiền vàng, mã, giấy sớ.
– Tùy duyên có/không dùng pháp khí: chuông, mõ, khánh.
– Trường hợp không có thời gian tụng kinh, thì không thực hiện phần Tán Pháp, Tụng Kinh.
Cách bày trí mâm cỗ
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ đồ cúng lễ, tùy điều kiện của mỗi gia đình, quý vị nên sắm lễ như sau:
– Trường hợp chưa có bàn thờ: Sắp 1 bàn, để 3 cốc gạo, sắm 3 lễ bày trước cốc gạo: cúng Phật, cúng Thần Linh, cúng gia tiên.
– Trường hợp có bàn thờ:
+ Chỉ có bàn thờ Phật: Đồ lễ cúng Phật, bày lên lễ cúng Phật; sắp thêm 2 cốc gạo bày hai bên cạnh/dưới nơi thờ Phật: 1 cốc để cắm hương bày lễ cúng Thần Linh, 1 cốc để cắm hương bày lễ cúng gia tiên. (Có thể bày cùng ban thờ hoặc nếu ban thờ nhỏ, thì có thể sắp thêm bàn ở gần đó phù hợp với việc lễ cúng.)
+ Chỉ có bàn thờ thổ công: sắp thêm để cúng Phật và vong linh tương tự như trên.
+ Chỉ có 1 bàn thờ vong linh: sắp thêm để cúng Phật và chư Thiên, chư Thần Linh tương tự như trên.
Văn khấn Rằm tháng Giêng
Dưới đây là link hướng dẫn cúng Rằm Tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu) – Cầu an mà chùa Ba Vàng biên soạn, xin kính mời quý Phật tử tham khảo!
Hy vọng qua bài viết trên, quý vị sẽ hiểu rõ hơn về ý nghĩa và cách cúng chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng đơn giản. Không chỉ trong dịp Rằm tháng Giêng mà trong cả năm, khi chúng ta dâng cúng lễ với tấm lòng thành kính, biết ơn tổ tiên thì lúc nào cũng được phước báo, mang lại lợi ích thiết thực, đúng đắn cho bản thân và gia đình.
Và cùng lan tỏa bài viết rộng rãi để nhiều người biết cách cúng Rằm tháng Giêng thiết thực này nhé!